Cần có biện pháp thúc đẩy sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao trong sản xuất phân bón, hóa chất… hướng tới giải quyết bài toán môi trường. Đó là nội dung chính của hội nghị do Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Ước tính lượng tro, xỉ phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đến năm 2030 có 46 Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) sử dụng nhiên liệu than đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 41.500 MW; trong đó bao gồm: 25 NMNĐ sử dụng than nội địa với công suất 18.470 MW và 21 NMNĐ sử dụng than nhập khẩu với công suất 22.780 MW. Ước tính lượng tro, xỉ phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm.
Thông tin thêm tại Hội nghị giải trình về tình hình xử lý tro, xỉ NMNĐ than, chất thải thạch cao phosphogymsum, xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2018, lượng tro, xỉ phát sinh từ các NMNĐ than khoảng 13 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 65% tổng lượng thải), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 14%. Lượng tro, xỉ tiêu thụ đạt khoảng hơn 5,06 triệu tấn, chiếm khoảng 38,9 % lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,6 triệu tấn, chiếm 71,1%. Bên cạnh đó, khối lượng thạch cao PG phát sinh khoảng 1,78 triệu tấn và thạch cao PG lưu giữ tại các bãi thải hiện nay khoảng 6,92 triệu tấn, chỉ mới tiêu thụ được khoảng 420.000 tấn.
Trước thực trạng trên, PGS – TS. Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam – đưa ra cảnh báo: Tro, xỉ nếu không được sử dụng, dự kiến đến năm 2030, chúng ta sẽ có 422 triệu tấn tro, xỉ tồn đọng. “Mặc dù vấn đề tro, xỉ nhiệt điện than hiện nay rất nóng, nhưng việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro, xỉ của các cơ quan chức năng còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu” – PGS-TS. Trương Duy Nghĩa khẳng định.
Thống nhất giải pháp sử dụng
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, tro, xỉ không chỉ là chất thải, mà phải coi đó là nguồn nguyên liệu, cần có giải pháp để sử dụng hiệu quả, phải quy định rõ để tro, xỉ trở thành một loại hàng hóa, tài nguyên. “Loại nào không độc hại, phù hợp làm nguyên liệu sản xuất trong công trình xây dựng thì công bố hợp chuẩn, hợp quy để sử dụng. Loại nào chứa các thành phần độc hại, phải xử lý theo quy trình. Tuy nhiên, cần làm rõ các vấn đề về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để triển khai hiệu quả trên thực tế”- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề tro, xỉ, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là một trong những đơn vị chủ động trong việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ tro, xỉ tại nhà máy. Cụ thể, nhà máy đã lập dự án đầu tư hệ thống đường ống xuất tro bay qua cảng. Tập đoàn VIG (chủ đầu tư Công ty Gạch không nung Thanh Tuyền) cam kết tiêu thụ 50% tro bay và 100% xỉ đáy lò phát sinh hàng ngày của NMNĐ Vĩnh Tân 2 để sản xuất gạch không nung. Công ty Minh Phong có nhu cầu sử dụng khoảng 200.000 tấn tro bay (ẩm) để vận chuyển cho khách hàng tiêu thụ bằng đường biển. Công ty TNHH Hoàng Sơn Fly Ash and Cement có dự án nhà máy tuyển tro bay và sản xuất gạch không nung tại Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) đang triển khai thi công với nhu cầu tiêu thụ tro khô của NMNĐ Vĩnh Tân 2 để vận chuyển bằng tàu chuyên dụng.
Mặc dù, các NMNĐ rất nỗ lực trong tìm kiếm đối tác tiêu thụ tro, xỉ, song hiện nay vẫn chưa có quy định, tiêu chuẩn cụ thể về việc sử dụng tro, xỉ để san lấp mặt bằng, sử dụng trong xây dựng… Vì vậy, các doanh nghiệp tiêu thụ tro, xỉ sản xuất một cách cầm chừng, đầu ra tiêu thụ không ổn định.
Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến tháng 12/2018 đã có 17 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ từ NMNĐ và Bộ đang giao các đơn vị nghiên cứu một số đề tài để hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan.
Để bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường của các NMNĐ, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cần phải sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP theo hướng loại bỏ giấy phép xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và xử lý tái chế tro, xỉ, để các NMNĐ than có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường. “Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về bảo vệ môi trường tro, xỉ, thạch cao PG. Trong đó, giám sát thực hiện các quy định về quản lý, xử lý và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng từ tro, xỉ, thạch cao” – Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Trong thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ
Khoa học và Công nghệ để thống nhất giải pháp sử dụng tro, xỉ từ NMNĐ vào công tác san lấp mặt bằng.