Skip to content Skip to footer

Dự án gạch tự chèn xuyên nước – Hợp tác giữa Hoàng Sơn và Eco System Inc (Nhật Bản) – Phần 2

Sau khi nghiên cứu, sản xuất thành công gạch tự chèn xuyên nước và cho ra mắt sản phẩm vào Q4 2023, Hoàng Sơn và Eco System tiếp tục phát triển dòng sản phẩm trên với nguyên liệu chính từ xà bần xây dựng.

Ông Takata Mimoru, giám đốc phát triển của Ecosystem, chia sẻ rằng ở Nhật Bản hàng năm, có hàng ngàn căn nhà phải tháo đỡ do cũ, hỏng, niên hạn sử dụng lâu không đảm bảo an toàn, hoặc do động đất. Vì vậy, lượng rác thải xây dựng như: sắt thép, xà bần, tấm trần thạch cao, gỗ, v v…  cần phải xử lý hàng năm là tương đối nhiều. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản không cho phép khai thác tài nguyên tự nhiên đặc biệt là: cát, đá, thạch cao để xây dựng và thay thế những ngôi nhà cũ mà phải tái chế và tái sử dụng lại hầu hết các nguyên vật liệu, phế liệu cũ. Ví dụ: sắt thép sẽ được thu gom và đưa về nhà máy thép xử lý và tái sử dụng. Tấm trần thạch cao sẽ được nghiền ra, tách giấy, và tái sử dụng để sản xuất tầm trần. Tương tự, xà bần bê tông được nghiền ra, sau đó phân loại và tái sử dụng cho sản xuất gạch, bê tông…

Ở Việt Nam, rác thải xây dựng đặc biệt là xà bần chủ yếu phục vụ cho san lấp những dự án có quy mô vừa và nhỏ. Nguyên vật liệu tự nhiên như cát, đá ở Việt Nam sẵn có và giá thành tốt, vì vậy, chưa có nhiều doanh nghiệp tìm hiểu cũng như đầu tư vào các nguyên vật liệu tái chế để phục vụ sản xuất.

Về nguyên liệu tái chế, Công ty TNHH CC Innovation Việt Nam là đối tác của Eco System ở Việt Nam đã mất rất nhiều công sức để tìm ra đơn vị nghiền và sàng phân loại xà bần. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ không mang lại hiệu quả trong nhiều tháng chờ đợi. Sau đó, CC Innovation quyết định tự nghiền và phân loại bằng cách tự mua xà bần, liên kết với đơn vị thứ ba cho công tác nghiền và sàng phân loại xà bần theo yêu cầu. Một số hình ảnh về sản phẩm đầu ra như bên dưới:

Tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào trên, Eco System và Hoàng Sơn bắt đầu thí nghiệm 05 cấp phối khác nhau để sản xuất gạch xuyên nước từ vật liệu tái chế. Ngoài xà bần, chúng tôi còn sử dụng thêm tro bay từ nhà máy nhiệt điện làm chất kết dính, nhằm giảm phát thải CO2 từ hoạt động sản xuất clinker và nghiền xi măng.

Với những tín hiệu tích cực từ phòng thí nghiệm đối với cả 05 cấp phối, chúng tôi tiếp tục thử nghiệm sản xuất thực tế trên máy ép. Sự khác biệt giữa kết quả trong phòng thí nghiệm và sản xuất thực tế đã khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn: VD: việc phân loại vật liệu tái chế cho sản xuất khối lớn, phương án vệ sinh phễu chứa vật liệu tái chế, cân định lượng vật liệu tái chế, độ ẩm của vật liệu tái chế, bê tông bán khô cùng vật liệu tái chế chảy vào băng tải và khuôn… Bằng kinh nghiệm và kiến thức từ chuyên gia, chúng tôi đã cố gắng kiểm soát và cân bằng các vấn đề trên, ban đầu chất lượng viên gạch tự chèn xuyên nước làm từ vật liệu tái chế tương đối tốt. Chúng tôi tiếp tục chờ kết quả R7 và R28 để có kết luận cuối cùng về tính khả khi sử dụng xà bần tái chế cho công tác sản xuất gạch tự chèn xuyên nước.

Cuối tháng 8 năm nay, Eco System và Hoàng Sơn dự kiến bàn giao sản phẩm trên cho công trình Aeon Mall Tân Phú. Chủ đầu tư đã đồng ý sử dụng sản phẩm gạch tự chèn xuyên nước làm từ vật liệu tái chế cho hạng mục bãi để xe. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về sản phẩm sau khi được lát tại công trường và được các chuyên gia Nhật Bản thí nghiệm về nhiệt độ viên gạch, độ hút nước so với sản phẩm gạch tự chèn con sâu phổ thông.