Tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây Dựng và Bộ Công Thương vừa đồng tổ chức hội thảo khoa học: “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Giải bài toán xử lý tro, xỉ
Tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) – cho biết, hiện toàn quốc có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Dự kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro, xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 sẽ có 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn và đến năm 2030 là 422 triệu tấn.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 3 cụm nhiệt điện bao gồm: nhiệt điện Duyên Hải, nhiệt điện Long Phú và nhiệt điện Sông Hậu, trong đó các nhà máy đang vận hành là nhiệt điện Duyên Hải I, III với tổng công suất lắp đặt là 1.445 MW, hàng năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ. Sắp tới, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải III mở rộng hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.
Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có thêm các nhà máy nhiệt điện Long Phú I (1,2); Sông Hậu (1,2). Từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Lượng tro, xỉ sẽ tạo ra những thách thức cho đất nước khi phải sử dụng một diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy xử lý, sử dụng thì tổng lượng tích lũy tro, xỉ, thạch cao trên các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh rất lớn. Vì vậy, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ,thạch cao là yêu cầu cấp thiết.
Theo ông Bắc, qua 6 năm giảm sản xuất gạch từ đất nung sang gạch không nung, 55/63 tỉnh, thành phố tiết kiệm được 10 triệu m3 đất, tương ứng với 70 ha đất, có độ sâu hơn 2m. Nếu tích cực sử dụng tro, xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng, ngoài việc tăng cường tiết kiệm tài nguyên đất nông nghiệp, còn gia tăng việc làm.
Trước vấn đề còn nan giải, ông Trương Quang Hoài Nam – Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, tỏ ra lo lắng. Theo ông Nam, ĐBSCL mới vận hành một nhà máy từ năm 2016 và một nhà máy thứ hai vào Quí I năm nay, mỗi năm thải ra 1,8 triệu tấn tro, xỉ. Đến năm 2020 lượng tro xỉ vào khoảng 4,13 triệu tấn và năm 2030, khi tất cả 9 nhà máy hoạt động, thải ra khoảng 13,6 triệu tấn.
“Làm sao xử lý lượng chất thải khổng lồ này, nếu không xử lý được chắc chắn vùng ĐBSCL và ngay bên dòng sông Hậu sẽ có những quả đồi, quả núi tro, xỉ? Công nghệ sử dụng trong thời gian tới như thế nào? Làm sao sử dụng và quản lý tro xỉ không làm ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL?”, ông Nam nêu các câu hỏi và cho rằng cần có giải đáp rõ ràng, minh bạch vì liên quan tới môi trường.
Dùng tro xỉ cho san lấp, sản xuất xây dựng
Ông Lê Ngọc Thành, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, việc chậm sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp, làm mặt nền giao thông, gia cố nền móng công trình xây dựng và sản xất ra các loại vật liệu trong thời gian qua là do thiếu tiêu chuẩn và qui chuẩn. Nhưng đến nay, qui chuẩn va 2tie6u chuẩn liên quan đế tro ,xỉ nhiệt điện tyhan đã có đầy đủ. Theo các tiêu chuẩn, qui chuẩn đã được ban hành và sắp được công bố vào tháng 11 tới, thì ngành vật liệu xây dựng sẽ giúp giải quyết tiêu thụ tro, xỉ đến hơn 30%, còn lại là phục vụ cho san lấp, thay thế cho cát thiên nhiên.
Ông Lê Hồng Tịnh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội – cho rằng trong bối cảnh điện hạt nhân tạm dừng, thủy điện không còn khai thác thêm, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch không phải nơi nào cũng làm được, việc lựa chọn nhiệt điện than, đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bởi nếu tăng trưởng GDP hơn 7%, thì tăng trưởng ngành điện phải hơn 10%. Đến năm 2030, công suất phát điện của nhiệt điện than chiếm 53% tổng công suất phát điện chung của cả nước là “không còn con đường nào khác”, nên việc tổ chức hội thảo bàn giải pháp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao vùng ĐBSCL là rất quan trọng.
Ông Tịnh cho biết thêm, ở miền Bắc, người dân đã quen dùng tro, xỉ (xỉ than) để làm vật liệu xây dựng, còn ĐBSCL, ngoài nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), chưa có nhà máy nào vận hành nên tro xỉ còn ít (khoảng 2 triệu tấn). Thời gian tới, khi các nhà máy nhiệt điện khác như Long Phú 1 (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang)… cùng hoạt động sẽ thải ra hơn 4 triệu tấn tro, do đó nếu chậm trễ trong xử lý sẽ ùn ứ và gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Tịnh, vấn đề san lấp hiện nay đang thiếu cát trầm trọng và Bộ Xây dựng đang xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan san lấp bằng tro, xỉ để thay thế cát thiên nhiên.
“Tôi đi Trà Vinh thấy san lấp cho các loại công trình đều thiếu cát, nhưng sử dụng (tro, xỉ) để thay thế thì tiêu chuẩn, quy chuẩn thế nào, Bộ GTVT không cho phép. Trước đây có hội thảo liên quan, có một báo cáo riêng ở Nhật người ta đã sử dụng 95% tro xỉ nhà máy nhiệt điện cho san lấp, làm vật liệu xây dựng, gạch không nung. Vậy Việt Nam thì như thế nào?”, ông Tịnh nhấn mạnh.
“Nếu như có sự rõ ràng về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đưa vào san lấp, làm vật liệu xây dựng, gạch không nung thì không có vấn đề gì. Ở ĐBSCL hiện nhu cầu san lấp cho cả khu vực nông thôn và thành thị là rất lớn, nhiều công trình giao thông quan trọng trong vùng cũng đang thiếu hàng triệu m3 cát, chưa biết khai thác ở đâu để đáp ứng” – ông Tịnh nói thêm.
Hiện, việc xử lý tro, xỉ (tro bay) ứng dụng trong xây dựng vẫn còn nhiều trở ngại. Ông Châu Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn Ply Ash and Cement cho biết, Công ty là đơn vị đi đầu trong vùng ĐBSCL, đầu tư một dây chuyền tuyển tro bay, công nghệ Đức, công suất 900.00 tấn/năm, đặt tại Khu công nghiệp Long Hậu, nhằm mục tiêu cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy xi măng và trạm trộn bê tông tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, các đơn vị sử dụng chưa công khai việc sử dụng tro bay trong cấp phối bê tông và xi măng. Hành lang pháp lý sử dụng tro bay chưa rõ ràng, chưa phố biến rộng rãi. Còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích tổ chức và cá nhân đầu tư vào các nhà máy sản xuất gạch không nung từ tro, xỉ và nhà máy tuyển tro bay. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn coi tro xỉ và tro bay là chất thải công nghiệp, nên không ủng hộ việc thu hút đầu tư nhà máy xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, nên còn nhiều trở ngại.